Nhân trần là cây gì?
Cây nhân trần (Artemisia capillaris Thunb) thuộc họ Cúc (Asteraceae), sinh sống chủ yếu ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới - trong đó có Việt Nam. Thảo dược này còn được biết với nhiều tên gọi khác như hoắc hương núi, chè nội, chè cát, mạo xạ hương và tuyến hương lam.
Nhân trần là vị thuốc quý, được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Hiện nay, thảo dược này cũng đã được nghiên cứu trên cơ sở khoa học và được ứng dụng trong sản xuất các chế phẩm hỗ trợ điều trị - phòng ngừa một số bệnh lý như viêm gan, sỏi mật, tiêu hóa kém,…
Mô tả cây nhân trần
1. Đặc điểm
Nhân trần là cây thân thảo nhỏ, chiều cao khoảng 0.5 - 1m và sống lâu năm. Cây có thân tròn nhỏ, có lông, lá đối xứng, phiến hình xoan hiện rõ gân lá và có lông nhỏ, mép lá có hình răng cưa. Toàn bộ cây nhân trần chứa tinh dầu có mùi thơm đặc trưng. Hoa mọc thành cụm ở đầu cành hoặc kẽ lá, có hình chuông và cánh hoa màu tím. Cây có quả dạng nang, hình trứng và bên trong chứa hạt màu vàng nhỏ.
Cây nhân trần có lá mọc đối xứng, hoa hình chuông và có màu tím đặc trưng
2. Phân bố
Nhân trần phân bố chủ yếu ở những quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Ở nước ta, thảo dược này mọc nhiều ở các tỉnh phía Bắc và thường mọc hoang ở bãi đất trống, bờ ruộng, đồi núi,… Hiện nay, nhân trần đã được trồng ở nhiều nơi để làm thuốc.
3. Cây nhân trần có mấy loại?
Có khá nhiều loại thực vật được biết đến với tên gọi nhân trần, bao gồm:
- Nhân trần cái/ hoắc hương núi (Adesnosma caeruleum R. Br.) - thuộc họ Hoa mõm chó/ họ Huyền sâm (Scrophulariaceae)
- Nhân trần bồ bồ/ cây bồ bồ, nhân trần đực (Adesnosma capitatum Benth) - thuộc họ Hoa mõm chó/ họ Huyền sâm (Scrophulariaceae)
- Nhân trần Trung Quốc/ nhân trần cao (Artemisia capillaris Thunb) - thuộc họ Cúc (Asteraceae). Đây là loại được sử dụng phổ biến nhất vì dược tính đa dạng và thành phần hóa học dồi dào.
4. Bộ phận sử dụng
Toàn cây.
5. Thu hoạch - bào chế
Cây nhân trần ra hoa vào tháng 4 - 7. Đây là thời điểm cây có dược tính cao và thành phần hóa học đa dạng nên rất thích hợp để thu hoạch.
Nhân dân thường thu hoạch toàn bộ cây, sau đó đem rửa sạch đất cát và phơi trong râm cho đến khi khô hoàn toàn.
6. Thành phần hóa học
Cây nhân trần chứa thành phần chủ yếu là cumarin, polyphenol, xeton, capilen, pinen,…
7. Bảo quản
Bảo quản dược liệu ở nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao, ẩm thấp và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Cây nhân trần có tác dụng gì?
Nhân trần là cây thuốc quý được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc. Hiện nay, thảo dược này cũng đã được y học hiện đại nghiên cứu và công dụng nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
1. Tác dụng của nhân trần theo y học cổ truyền
Theo y học cổ truyền, nhân trần có vị cay, đắng, tính hàn. Quy vào kinh Đởm, Can, Tỳ và Vị.
Tác dụng chính của thảo dược này là thoái hoàng, thanh nhiệt, lợi thấp, được sử dụng để điều trị chứng vàng da do viêm gan, viêm túi mật, viêm da lở loét, tiểu tiện bất lợi,…
2. Công dụng của nhân trần theo y học hiện đại
Qua một số nghiên cứu khoa học, nhân trần được chứng minh có các công dụng sau:
Nhân trần đã được chứng minh có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan do virus, phòng ngừa gan nhiễm mỡ,…
- Bảo vệ tế bào gan và hỗ trợ phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ
- Thúc đẩy sản xuất dịch mật và cải thiện chức năng tiêu hóa
- Thúc đẩy quá trình dung giải fibrin và hạn chế tình trạng đông máu
- Tăng cường tuần hoàn máu đến não bộ và tim mạch
- Hỗ trợ điều chỉnh rối loạn lipid máu và điều hòa huyết áp
- Có tác dụng chống viêm, giảm đau và giải nhiệt
- Tác dụng ức chế một số vi khuẩn có hại như song cẩu khuẩn viêm não, vi khuẩn gây viêm phổi, trực khuẩn mủ xanh, phó thương hàn, E. coli, lỵ, tụ cầu vàng
- Hỗ trợ tăng cường chức năng đề kháng và ức chế sự phân chia của các tế bào ác tính (tế bào ung thư)
Hiện nay, nhân trần đã được sử dụng trên lâm sàng để điều trị một số bệnh thường gặp như viêm gan do virus thể vàng da, trẻ nhỏ nhiễm trực khuẩn thương hàn, hội chứng rối loạn lipid máu, giun chui ống mật, nấm da, viêm loét miệng, bệnh chàm, thiểu năng mạch vành tim,…
Cách dùng dược liệu nhân trần trị bệnh
Nhân trần chủ yếu được sử dụng trong các bài thuốc sắc điều trị bệnh viêm gan do siêu vi, điều hòa kinh nguyệt, lợi sữa, chữa chứng đầy hơi, khó tiêu,… Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu nhân trần.
Nhân trần thường được sử dụng trong các bài thuốc điều trị bệnh viêm gan do virus
1. Bài thuốc điều trị viêm túi mật
- Chuẩn bị: Bồ công anh, uất kim và nhân trần mỗi thứ 63g, nghệ vàng (khương hoàng) 16g.
- Thực hiện: Cho dược liệu vào ấm, đổ nước vào và sắc uống. Mỗi ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
2. Bài thuốc trị viêm gan siêu vi mãn tính gây khó khăn khi tiểu tiện, vàng da
- Chuẩn bị: Quế chi 8g, nhân trần 16g, trư linh, phục linh, bạch truật và trạch tả mỗi thứ 12g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng 1 thang. Sử dụng liên tục trong vài ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt.
3. Bài thuốc chữa chứng bệnh do hàn thấp (chân tay tê lạnh, mạch trầm yếu, da vàng,…)
- Chuẩn bị: Cam thảo 4g, gừng khô 8g, nhân trần 24g và phụ tử 12g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
4. Bài thuốc trị chứng vàng da do viêm gan siêu vi, cơ thể mệt mỏi, da vàng vọt, tiểu điện ít, táo bón
- Chuẩn bị: Chi tử 12g, đại hoàng 9g, nhân trần 24g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
5. Bài thuốc điều trị các bệnh viêm gan do siêu vi
- Chuẩn bị: Dùng độc vị nhân trần 63g
- Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang. Sử dụng đều đặn trong thời gian dài để làm giảm tình trạng vàng da và cải thiện chức năng tiêu hóa.
6. Bài thuốc cải thiện chứng cảm, say nắng vào mùa hè
- Chuẩn bị: Hoạt thạch 20g, nhân trần 16g, hoàng cầm 12g, bạch đậu khấu, hoắc hương, bạc hà, liên kiều và xạ can mỗi thứ 6g, mộc thông và xuyên bối mẫu mỗi thứ 8g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
7. Bài thuốc chữa chứng hoàng đản (vàng da)
- Chuẩn bị: Quả dành dành 24 quả, nhân trần 30g, thạch cao nung 4 - 6g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
8. Bài thuốc điều trị chứng đầy bụng, khó tiêu và ăn uống kém
- Bài thuốc 1: Dùng kim tiền thảo và cam thảo nam mỗi thứ 10g, nhân trần 12g. Sử dụng dược liệu toàn cây (trừ rễ), đem rửa sạch, thái nhỏ và phơi cho khô hoàn toàn. Sau đó, dùng dược liệu sắc với 400ml nước còn lại 100ml. Chia nước sắc thành 2 lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị ké hoa vàng và nhân trần mỗi thứ 20g, rễ và thân mộc thông, rễ móc diều mỗi thứ 10g. Đem các vị sao vàng rồi sắc uống, ngày dùng 1 thang. Không dùng bài thuốc này cho phụ nữ mang thai.
9. Bài thuốc lợi sữa cho phụ nữ sau sinh
- Chuẩn bị: Mạch môn và mần tưới mỗi thứ 20g, nhân trần 8g, vỏ bưởi đầu khô và rẻ quạt mỗi thứ 4g, ngải cứu 10g.
- Thực hiện: Cho tất cả ấm, sắc kỹ. Mỗi ngày uống 1 thang.
10. Bài thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt
- Chuẩn bị: Bạch đồng nữ và lá đuôi lươn mỗi thứ 10g, rễ gắm 8g, ích mẫu và nhân trần mỗi thứ 12g, nghệ đen 6g.
- Thực hiện: Sắc uống hoặc nấu thành cao lỏng. Chia thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
11. Bài thuốc chữa viêm gan do virus
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị lá vọng cách và nhân trần mỗi thứ 16g, lá cối xay 12g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 2: Dùng quả dành dành 12g, nhân trần 16g và nghệ vàng 8g. Sắc uống ngày dùng 1 thang.
- Bài thuốc 3: Sử dụng vỏ bưởi (bỏ phần cùi trắng bên trong) và nhân trần bằng lượng nhau. Đem dược liệu thái nhỏ, phơi khô và tán bột. Mỗi lần dùng 6g bột, ngày dùng đều đặn 3 lần.
- Bài thuốc 4: Chuẩn bị hậu phác nam, sài hồ nam, nhọ nồi và dành dành mỗi thứ 2g, nghệ vàng, nhân trần và vỏ núc nác mỗi thứ 3g, rau má 4g. Đem rau má, nhọ nồi, vỏ núc nác, nhân trần và sài hồ nấu thành cao. Các dược liệu còn lại đem sấy khô, tán bột và trộn đều với cao lỏng làm thành viên. Mỗi lần dùng 5g, ngày dùng 2 lần.
12. Trà nhân trần dùng để phòng ngừa các chứng bệnh do thấp nhiệt
- Chuẩn bị: Nhân trần 30g.
- Thực hiện: Đem thái nhỏ và hãm với nước sôi trong 15 - 20 phút. Sau đó cho thêm 1 ít đường phèn vào và dùng uống trong ngày.
13. Trà nhân trần chữa viêm gan cấp gây sốt và vàng da
- Bài thuốc 1: Chuẩn bị trà 30g, nhân trần 300g và sinh đại hoàng 60g. Đem các vị tán vụn và bảo quản trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày sử dụng 30g hãm với nước sôi từ 15 - 20 phút. Chia nước trà thành nhiều lần uống và dùng hết trong ngày.
- Bài thuốc 2: Dùng nhân trần 150g, bạch hoa xà thiệt thảo 500g và sinh cam thảo 50g. Đem tất cả dược liệu tán vụn vào bảo quản trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần sử dụng khoảng 60g dược liệu hãm với nước sôi và dùng hết trong ngày.
14. Trà nhân trần hỗ trợ điều trị viêm gan gây rối loạn tiêu hóa
- Chuẩn bị: Mạch nha và nhân trần mỗi thứ 500g, quất bì 250g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu sấy khô và tán vụn. Mỗi ngày sử dụng 60g hãm với nước sôi và dùng hết trong ngày.
15. Trà nhân trần, rau ngô phòng ngừa viêm gan, sỏi mật
- Chuẩn bị: Bồ công anh và nhân trần mỗi thứ 150g, râu ngô 300g.
- Thực hiện: Cho tất cả dược liệu tán vụn, bảo quản trong lọ kín để dùng dần. Mỗi lần dùng 50g hãm với nước sôi trong 20 phút là dùng được. Sử dụng hết trong ngày và nên dùng đều đặn trong thời gian dài để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
16. Bài thuốc lợi tiểu, chữa chứng bí tiểu, tiết dắt, tiểu rát
- Chuẩn bị: Râu ngô, nhân trần mỗi thứ 30g.
- Thực hiện: Đem sắc uống, ngày dùng đều đặn 1 thang.
17. Bài thuốc hỗ trợ giảm mệt mỏi, ăn uống kém và sắc mặt sạm nám
- Chuẩn bị: Gừng khô thái lát, đường đỏ, táo tàu và nhân trần 15g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, nên uống nước và ăn kèm với táo tàu. Dùng bài thuốc đều đặn trong 5 - 7 ngày để nhận thấy cải thiện rõ rệt.
18. Bài thuốc ngâm rửa trị viêm da lở loét
- Chuẩn bị: Nhân trần (vừa đủ)
- Thực hiện: Đem sắc đặc, sau đó dùng nước ngâm rửa vùng da bị tổn thương.
19. Bài thuốc chữa chứng viêm da phù nề và ngứa ngáy nhiều
- Chuẩn bị: Sử dụng lá sen 15g và nhân trần 30g.
- Thực hiện: Đem các vị sấy khô, tán thành bột mịn và bảo quản trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần sử dụng 3g thuốc bột pha với nước đun sôi, thêm 1 ít mật ong, khuấy đều và dùng uống trực tiếp.
Lưu ý khi dùng bài thuốc từ cây nhân trần
Nhân trần là thảo dược quý mang lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả khi sử dụng và hạn chế các tác dụng không mong muốn, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Không phối hợp nhân trần cùng với cam thảo. Hai dược liệu này đều có tác dụng tốt đối với sức khỏe nhưng sử dụng đồng thời có thể làm giảm hiệu quả của nhau. Nếu dùng đồng thời, phải kết hợp với một số dược liệu khác.
- Phụ nữ mang thai và cho con bú bắt buộc phải tham vấn y khoa trước khi sử dụng các bài thuốc từ nhân trần.
- Người không mắc các bệnh lý về gan không nên sử dụng nhân trần quá thường xuyên.
- Trong thời gian dùng bài thuốc từ nhân trần, cần uống đủ nước để hạn chế tình trạng cơ thể mệt mỏi, uể oải do mất nước (nhân trần có tác dụng lợi tiểu).
- Nhân trần là vị thuốc tự nhiên có khả năng điều trị các bệnh về gan và mật. Tuy nhiên, tác dụng của thảo dược này tương đối hạn chế và không thể thay thế cho thuốc điều trị. Vì vậy trước khi áp dụng bài thuốc chữa viêm gan từ nhân trần, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
- Bên cạnh việc sử dụng nhân trần để sắc thuốc hoặc hãm trà, bạn có thể dùng viên uống chứa chiết xuất nhân trần để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các bệnh lý về gan. Tuy nhiên trước khi sử dụng, nên hỏi ý kiến dược sĩ để được tư vấn cụ thể.
Nhân trần là cây thuốc quý mang đến nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Tự ý dùng các bài thuốc từ thảo dược này có thể gây ra rủi ro và một số tác dụng không mong muốn.
Tài liệu tham khảo
- tam thất có tác dụng gì
- củ tam thất có tác dụng gì
- hoa tam thất có tác dụng gì
- tam thất sapa
- tam thất mật ong
- Cây đỗ trọng
- Vị thuốc Cam thảo dây
- Vị thuốc tắc kè
- Vị thuốc Quýt (Trần bì)
- Vị thuốc chuối hột rừng
- Vị thuốc Đông quỳ
- Vị thuốc ngũ vị tử
- Các vị thuốc bắc hầm gà
- Vị Thuốc Mộc Lan
- Vị thuốc Sài hồ
- Bách Bộ
- Công dụng của hạt kỷ tử