Thiếu máu cơ tim thầm lặng (silent myocardial ischemia) là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm vì tiến triển âm thầm, nguy cơ tử vong cao. Có tới 45% người đau tim nhưng không hề hay biết mình đang mắc bệnh, vì không có triệu chứng đau. Chính vì thế, việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả tình trạng thiếu máu cơ tim thầm lặng sẽ giúp bệnh nhân tránh được các biến chứng nguy hiểm khó lường.
Thiếu máu cơ tim thầm lặng là gì?
Thiếu máu cơ tim thầm lặng (còn gọi là thiếu máu cơ tim yên lặng) là tình trạng tắc hẹp của một hoặc nhiều nhánh động mạch vành, làm lưu lượng máu giàu oxy đi nuôi dưỡng cơ tim giảm thấp. Tuy nhiên, bệnh nhân không có các triệu chứng điển hình của thiếu máu cơ tim như cơn đau thắt ngực, vã mồ hôi, khó thở và buồn nôn.
Các dấu hiệu của tình trạng này thường âm thầm và khó nhận biết, dẫn đến người bệnh thường chủ quan không thăm khám và điều trị. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến số người tử vong do thiếu máu cơ tim thầm lặng cao gấp 3 lần so với bệnh nhân thông thường. Trong trường hợp may mắn sống sót, người bệnh cũng mang nhiều di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bệnh gây nguy hiểm bởi các triệu chứng âm thầm, khó nhận biết, dễ dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim đột ngột.
Thiếu máu cơ tim thầm lặng nguy hiểm ở chỗ không có triệu chứng lâm sàng, người bệnh khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu tuân thủ thăm khám sức khỏe định kỳ, thông qua các xét nghiệm và hình ảnh cận lâm sàng có thể nhận thấy dấu hiệu thiếu máu cơ tim, từ đó có thể điều trị kịp thời và hiệu quả
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim thầm lặng
Người bệnh thường không xuất hiện các cơn đau thắt ngực là do hai nguyên nhân chính:
1. Tổn thương cơ tim chưa đủ để kích thích tạo ra một cơn đau
Ở người bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng, thông thường các mạch vành chỉ co thắt, chít hẹp chút ít, chưa đủ nhiều và đủ lâu, dẫn đến lưu lượng máu giàu oxy đến nuôi cơ tim chỉ thiếu hụt một lượng ít, thời gian tim thiếu máu ngắn, chưa đủ để kích thích tạo ra một cơn đau thắt ngực.
2. Người bệnh không cảm nhận được cơn đau
Trong một số trường hợp tổn thương cơ tim đã đủ để kích thích tạo ra một cơn đau thắt ngực, nhưng người bệnh vẫn không cảm nhận được cơn đau là do:
- Người bệnh có ngưỡng đau cao hơn, dung nạp với kích thích đau tốt hơn so với mức bình thường (thông thường nam giới có ngưỡng đau cao hơn nữ giới).
- Người bệnh có bất thường trong đường truyền cảm giác đau.
- Người bệnh có chất trung gian gây ức chế cảm giác đau (mức beta-endorphin cao), chẳng hạn ở bệnh nhân đái tháo đường, do các dây thần kinh bị tổn thương làm cho các dấu hiệu của bệnh trở nên mờ nhạt, khó phát hiện.
Ai có nguy cơ bị thiếu máu cơ tim yên lặng?
Một khảo sát của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ tiến hành trên 2000 người ở độ tuổi 24-84 không có bệnh lý tim mạch (số lượng nam giới và nữ giới ngang nhau). Sau 10 năm, khoảng 8% trong tổng số đó được phát hiện có sẹo cơ tim - một bằng chứng của nhồi máu cơ tim thầm lặng. Đáng chú ý, 80% trong số đó không hề biết về tình trạng họ đang gặp phải.
Thông qua khảo sát có thể thấy, đối tượng có nguy cơ mắc phải thiếu máu cơ tim yên lặng gồm:
- Bệnh nhân đái tháo đường do các dây thần kinh bị tổn thương làm cho các dấu hiệu của thiếu máu cơ tim trở nên mờ nhạt, khó phát hiện;
- Người lớn tuổi, người có ngưỡng chịu đau cao, phụ nữ tiền mãn kinh…;
- Người có thói quen không lành mạnh như thường xuyên hút thuốc lá, ít tập luyện thể dục thể thao hay không kiểm soát tốt cân nặng, thừa cân, béo phì…
Người lớn tuổi có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp lâu năm… là những đối tượng cần đề phòng bệnh. Bạn nên tham khảo: Những bệnh người cao tuổi thường gặp và cách phòng tránh
Dấu hiệu nhận biết thiếu máu cơ tim thầm lặng
Các triệu chứng của thiếu máu cơ tim thầm lặng rất mơ hồ, thời gian xuất hiện và kết thúc nhanh, không rõ mức độ và cường độ nên dễ nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe khác. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể nhận biết sớm nếu tinh ý nhận ra các dấu hiệu cảnh báo bệnh gồm:
- Khó chịu ở vùng giữa ngực, cảm giác như có vật nặng đè lên ngực trong vài phút rồi biến mất.
- Khó chịu ở một số vùng trên của cơ thể như đau một hoặc hai cánh tay, đau cổ, hàm và lưng.
- Đổ mồ hôi lạnh ở vùng đầu - cổ, cảm giác buồn nôn và nôn.
- Bị khó tiêu hoặc ợ nóng, buồn đi vệ sinh nhưng không đi được.
- Cảm thấy đột ngột mệt mỏi, mất nhận thức, người đột nhiên yếu đi, chóng mặt, uể oải…
Khó chịu vùng giữa ngực kéo dài trong vài phút là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo trước căn bệnh này. Xem thêm Tác dụng của tam thất với người cao tuổi
Lời khuyên từ Tam thất bắc Lào Cai: “Khi nhận thấy bản thân có một trong các triệu chứng cảnh báo thiếu máu cơ tim thầm lặng kể trên, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám sớm và chẩn đoán chính xác, từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời”
Phương pháp chẩn đoán thiếu máu cơ tim thầm lặng
Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh có dấu hiệu của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng để củng cố chẩn đoán:
- Điện tâm đồ gắng sức: Quan sát lưu lượng máu qua động mạch khi người bệnh thực hiện nghiệm pháp thảm lăn hoặc đạp xe so với lúc nghỉ.
- Xạ hình tưới máu cơ tim: Quan sát lưu lượng máu đến nuôi cơ tim.
- Siêu âm tim gắng sức: Thăm dò không xâm lấn để quan sát vận động của thành tim khi nghỉ và khi gắng sức.
- Holter ECG: Ghi lại nhịp tim cũng như các hoạt động của tim trong khoảng thời gian 24-48 giờ để phát hiện các dấu hiệu.
Các phương pháp điều trị thiếu máu cơ tim thầm lặng
Hầu hết bệnh nhân được ưu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống. Nếu phương pháp đó không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị can thiệp.
Điều trị nội khoa
Các nhóm thuốc được dùng trong điều trị thiếu máu cơ tim thầm lặng gồm:
- Nhóm thuốc chống kết tập tiểu cầu
- Nhóm statin
- Nhóm thuốc chẹn beta.
- Nhóm thuốc chẹn kênh canxi.
- Nhóm chất ức chế men chuyển nếu có huyết áp cao.
Lưu ý: Người bệnh không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ điều trị.
Điều trị phẫu thuật
Khi người bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng có suy tim phân suất tống máu giảm, hở van 2 lá nặng, bác sĩ sẽ có chỉ định can thiệp bằng một trong 2 cách sau:
- Nong và đặt stent.
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Người có bệnh tim mạch cần tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ để kiểm soát tình trạng thiếu máu cơ tim thầm lặng. Tham khảo thêm triệu chứng các bệnh: Hở van tim; Bệnh Cơ Tim Không Lèn Chặt; bệnh hẹp động mạch cảnh
Thiếu máu cơ tim thầm lặng có nguy hiểm không?
Bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng nguy hiểm là do người bệnh dễ gặp các cơn nhồi máu cơ tim đột ngột không được báo trước nên khó can thiệp điều trị kịp thời và hiệu quả, dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng nguy hiểm mà người bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng có thể gặp phải gồm:
- Nhồi máu cơ tim: Các mảng xơ vữa tăng dần kích thước, khi vỡ ra hình thành nên các cục máu đông gây bít tắc lòng mạch máu, dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim.
- Loạn nhịp tim: Thiếu máu cơ tim sẽ làm cho hoạt động điện tim bị rối loạn và hình ảnh các vết sẹo ở cơ tim, gây gián đoạn quá trình dẫn truyền tín hiệu. Trong đó, rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp thường gặp nhất ở nhóm bệnh nhân này hay rối loạn nhịp thất.
- Suy tim: Khi cơ tim thiếu máu dẫn oxy đến nuôi dưỡng trong thời gian dài có thể dẫn đến suy tim.
Phòng ngừa biến chứng thiếu máu cơ tim thầm lặng
Để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của thiếu máu cơ tim thầm lặng, người bệnh cần:
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ
Nếu điều trị nội khoa, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định, cần uống đúng, uống đủ các loại thuốc được kê đơn. Nếu điều trị phẫu thuật, người bệnh cần tuân thủ đầy đủ các lưu ý trước, trong và sau phẫu thuật để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Đồng thời, người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ để theo dõi tiến triển bệnh.
Xây dựng lối sống khoa học
Người bệnh cần tránh ăn nhiều chất béo có hại như mỡ, nội tạng động vật; hạn chế ăn thịt đỏ (thịt heo, thịt bò…), thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhanh…; thay vào đó nên sử dụng đạm từ thực vật hoặc đạm dễ tiêu như thịt gia cầm, cá…; tăng cường trái cây, rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt.
Bệnh nhân tim mạch cần tuân thủ chế độ ăn uống khoa học để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Xem thêm để biết: Uống tam thất có tác dụng gì
Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày là giải pháp giúp tăng lưu thông máu đến nuôi dưỡng cơ tim và các cơ quan trong cơ thể. Do đó, mỗi người, đặc biệt là người bệnh tim mạch nên tập luyện điều độ mỗi ngày với những bộ môn phù hợp và cường độ thích hợp như: đi bộ mỗi 30-60 phút/ngày, đạp xe, bơi lội, cầu lông…
Người bệnh cần tránh hút thuốc lá (kể cả chủ động và thụ động), hạn chế uống rượu, bia, sử dụng các chất kích thích…
Một số thói quen không tốt cho tim mạch bạn cần tránh xa, tham khảo tại đây.
Thiếu máu cơ tim thầm lặng có thể gây hậu quả nặng nề nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị, phòng ngừa biến chứng.