Hoàng cầm là dược liệu phổ biến, có tác dụng tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt, chỉ huyết, thanh thai nhiệt, đã được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc chữa sốt ho, nhức đầu, ung nhọt, điều kinh, kiết lỵ và nhiều bệnh khác.
Cùng tìm hiểu về hoàng cầm và những tác dụng của nó.
Mô tả dược liệu Hoàng Cầm
1. Đặc điểm thực vật câu Hoàng Cầm
Hoàng cầm là một loại cây thân thảo sống nhiều năm, có chiều cao trung bình từ 20 - 50cm, thuộc họ Lamiaceae (họ bạc hà), tên khoa học là Scutellaria baicalensis. Rễ cây Hoàng Cầm phình to thành hình chùy, mặt bên ngoài màu vàng sẫm và khi bẻ ra sẽ thấy màu sáng hơn. Thân cây mọc đứng, phân nhánh, hình vuông, nhẵn hoặc có lông ngắn phía ngoài. Lá mọc đối có cuống rất ngắn hoặc đôi khi không có cuống. Phiến lá hẹp, mép nguyên, đầu hơi tù, chiều dài khoảng 1,5 - 4cm, rộng từ 3 - 10mm. Mặt trên lá có màu xanh sẫm còn mặt phía dưới là màu xanh nhạt. Hoa của cây có màu lam tím, mọc ở đầu cành. Hoa gồm 2 môi với 4 nhị màu vàng, bầu có 4 ngăn.
2. Bộ phận dùng
Phần rễ chính là bộ phận được sử dụng để làm dược liệu.
3. Phân bố
Hoàng cầm sống phổ biến ở các cao nguyên đất vàng, sườn núi hướng về phía mặt trời mọc. Điển hình là ở các tỉnh phía Bắc và Tây Nam Trung Quốc. Hiện nay, dược liệu đang được thí nghiệm di thực vào những vùng khí hậu mát ở nước ta.
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu thường được thu hái vào mùa xuân hay mùa thu. Rễ được đào lấy và cắt bỏ phần rễ con, sau đó rửa sạch đất cát. Tiếp theo là phơi cho hơi khô và cạo bỏ phần vỏ bên ngoài, sau đó phơi lại cho khô hoàn toàn.
5. Bảo quản
Dược liệu đã qua sơ chế cần được bảo quản trong túi kín và nơi thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm thấp.
6. Thành phần hóa học
Trong hoàng cầm, có nhiều thành phần hóa học đã được ghi nhận, bao gồm Baicalei, Wogonoside, Baicalein, b-Sitosterol, Skullcapflavone, 7-Trihyroxy-6-Methoxyflavanone, Benzoic acid, Wogoside, Oroxylin Oroxylin A và Wogonin.
Phần rễ cây chứa nhiều thành phần hóa học nên được sử dụng để làm vị thuốc.
Vị thuốc hoàng cầm trong đông y
1. Tính vị
Theo các tài liệu y học cổ truyền, hoàng cầm có vị đắng, tính hàn và không có độc.
2. Quy kinh
Hoàng cầm được quy vào các kinh Đại trường, Tâm, Phế, Đởm, Bàng quang...
3. Tác dụng dược lý
Theo y học cổ truyền, hoàng cầm có các công dụng tả phế hỏa, trừ thấp nhiệt, tiêu cốc, chỉ huyết, an thai, tiết lợi, hạ huyết bế... Chủ trị cho các bệnh như ho do phế nhiệt, tiêu chảy, mụn nhọt, mắt đỏ sưng đau, đau bụng, chảy máu cam, tiêu ra máu, rong kinh, động thai...
Theo y học hiện đại, hoàng cầm có tác dụng hạ huyết áp, hạ lipid trong máu, ức chế nhu động ruột và kháng khuẩn. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giãn phế quản, ngăn ngừa dị ứng và tăng cường hệ miễn dịch.
Cụ thể:
- Chống viêm: Hoàng cầm có chứa baicalin và baicalein, hai hoạt chất flavonoid có đặc tính chống viêm mạnh, giúp giảm viêm trong cơ thể.
- Kháng khuẩn và kháng virus: Scutellaria baicalensis có tác dụng kháng khuẩn và kháng virus, hỗ trợ trong việc phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng.
- Chống oxy hóa: Các hợp chất trong hoàng cầm giúp chống lại gốc tự do, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và làm chậm quá trình lão hóa.
- Bảo vệ gan: Thảo dược này có khả năng bảo vệ gan khỏi các tác nhân gây hại, cải thiện chức năng gan và hỗ trợ trong điều trị viêm gan.
- Điều hòa huyết áp: Scutellaria baicalensis giúp hạ huyết áp, làm giãn mạch máu, và cải thiện tuần hoàn máu.
- Hỗ trợ điều trị ung thư: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoàng cầm có tiềm năng trong việc ức chế sự phát triển của tế bào ung thư và hỗ trợ điều trị ung thư.
Hoàng cầm là một trong những dược liệu quan trọng trong đông y và được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc truyền thống để hỗ trợ sức khỏe toàn diện.
Xem thêm: tam thất có tác dụng gì ?
4. Cách dùng - liều lượng
Hoàng cầm thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc hoặc bột và kết hợp với các vị thuốc khác. Liều lượng khuyến cáo cho một ngày là 12 - 20g, tùy thuộc vào từng bài thuốc.
Các bài thuốc chữa bệnh từ dược liệu hoàng cầm
Dưới đây là một số bài thuốc sử dụng hoàng cầm:
1. Bài thuốc trị đau bụng, kiết lỵ kèm miệng đắng
- Chuẩn bị: 12g hoàng cầm, 8g cam thảo, 8g thược dược, 3 trái đại táo.
- Thực hiện: Sắc với 1 lít nước trong 20 phút, chia làm nhiều lần uống khi còn ấm, liều lượng 1 thang/ngày.
2. Bài thuốc chữa phong nhiệt có đàm hay đau ở đầu lông mày
- Chuẩn bị: Hoàng cầm và bạch chỉ với liều lượng bằng nhau.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần uống đúng 8g và uống chung với nước trà ấm.
3. Bài thuốc chữa nôn ra máu, chảy máu cam
- Chuẩn bị: 40g hoàng cầm.
- Thực hiện: Tán thành bột mịn, mỗi lần lấy 12g đem sắc với 1 chén nước đến khi còn lại 6 phân. Uống trực tiếp khi nước thuốc còn ấm nóng.
4. Bài thuốc chữa nóng gan gây mờ mắt
- Chuẩn bị: 40g hoàng cầm, 120g đạm đậu vị.
- Thực hiện: Mỗi lần lấy ra 12g đem bọc trong gan lợn và chưng cho chín. Lưu ý, khi dùng bài thuốc này cần kiêng rượu và miến.
5. Bài thuốc trị rong kinh kèm nôn ra máu và chảy máu cam
- Chuẩn bị: 120g hoàng cầm.
- Thực hiện: Đem sắc với 3 thăng nước trên lửa nhỏ. Chia thành nhiều lần uống, liều lượng 1 thang/ngày.
Những lưu ý khi sử dụng hoàng cầm chữa bệnh
Trong một số trường hợp sau, cần tránh sử dụng dược liệu hoàng cầm:
- Không dùng khi bị tiêu chảy do hàn, hạ tiêu có hàn hay phế có hư nhiệt.
- Không sử dụng đồng thời với hành sống, mẫu đơn, đơn sa, lê lô.
- Không dùng cho phụ nữ thai hàn hay tỳ vị hư hàn nhưng không có thực hỏa, thấp nhiệt.
Qua những thông tin trên, chúng ta có thể thấy hoàng cầm là một cây thuốc đa dụng và đã được sử dụng trong y học từ lâu. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, cần tìm hiểu kỹ về cách dùng và liều lượng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Cửa hàng Tam Thất Bắc kính chúc quý khách sức khỏe, an khang!